Sau khi đánh giá những kết quả đạt được cũng như chỉ ra một số mặt hạn chế trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đề ra quyết tâm từ nay đến cuối năm 2019 phải đầu tư được một cụm cảng tổng hợp, cảng container hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu cùng lúc tiếp nhận hai tàu có trọng tải từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn, có chiều dài mỗi tàu lên tới 350m. Đón nhận thông tin trên, một số chuyên gia, các đơn vị liên quan đến Khu Dung Quất đã có những ý kiến khác nhau và đặt ra không ít câu hỏi, cụ thể.

Thực trạng

Hệ thống cảng tại Dung Quất I được quy hoạch theo Quyết định số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29-7-2016 của Bộ Giao thông vận (GTVT), quy định chi tiết như sau:

Bến cảng chuyên dùng dầu khí (Bến 14) được quy hoạch cho tàu 50.000 tấn, gồm 6 cầu đã xây dựng (cầu 1, 2: tàu 30.000 tấn; cầu 3, 4, 5, 6: tàu 5.000 tấn), tương lai sẽ được mở rộng thêm hai bến 50.000 tấn.

Bến cảng chuyên dụng gồm: Cụm 11 bến của Nhà máy luyện cán thép Hòa Phát Dung Quất, được thiết kế cho tàu lớn nhất lên đến 100.000 tấn; bến chuyên dụng của Nhà máy đóng tàu Dung Quất;

Bến cảng chuyên dụng kết hợp tổng hợp phục vụ khu kinh tế, gồm cụm bến 6, 7, 8, 9, 10 và được thiết kế cho tàu 50.000 tấn, có độ sâu âm 12m. Trong đó, Cảng Doosan (bến 9, dài 240m cầu) đã được xây dựng và đưa vào khai thác, được thiết kế bằng bê tông trọng lực và có độ sâu trước bến hiện nay là âm 8,9m; Cảng Hào Hưng (bến 10, dài 913m cầu) đã được xây dựng và đưa vào khai thác với khả năng tiếp nhận được tàu 50.000 tấn.

Bến cảng tổng hợp (Bến 1, 2, 3, 4, 5) được quy hoạch cho tàu 50.000 tấn đầy tải, tương ứng mớn nước tối đa âm 12m. Hiện tại Bến số 1, Bến số 2 đã thiết kế và xây dựng theo đúng quy hoạch; Bến số 3 đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và đang bắt đầu đầu tư giai đoạn 2; Bến số 4 và 5 chưa có nhà đầu tư.

Thực tế hiện nay cho thấy, hàng container xuất nhập của các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ngãi chưa nhiều nên các cảng và hãng tàu chưa thể mở được tuyến trung chuyển container nội địa, trung chuyển container quốc tế. Các cảng tổng hợp hiện hữu (PTSC, Germadept, Hào Hưng) chủ yếu làm hàng dăm gỗ xuất khẩu với tính ổn định không cao (hiện hàng dăm gỗ chiếm 90-95% lượng hàng qua cảng). Rõ ràng ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai gần, năng lực bốc xếp của các cảng đều cao hơn nhu cầu hàng qua cảng.

 Đôi điều suy nghĩ

Như trên đã đề cập, tỉnh Quảng Ngãi có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch cụm cảng chuyên dụng số 6, 7, 8 thành cảng container và tổng hợp hiện đại để đón được tàu từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn và có thể đón được 2 tàu lớn này cùng lúc (mỗi tàu dài 350m). Có thể nói, đây sẽ là một quyết định có tầm chiến lược, tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã đề cập đến tác động và ảnh hưởng, cụ thể:

Các công trình hàng hải hiện hữu (từ đê chắn sóng đến các bến cảng) có bị ảnh hưởng? Vì các công trình này được thiết kế cho tàu 50.000 tấn (âm tối đa 12m nước), còn cảng tiếp nhận tàu từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn thì có mớn nước âm từ 17m đến 19m nước.

Khả năng dư thừa về năng lực bốc xếp của các cảng ở Dung Quất nói riêng và miền Trung nói chung là khó tránh khỏi, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội.

Cũng cần nói thêm, Dung Quất đã xác định trở thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia thì hệ thống cảng biển đi cùng phải là cảng biển chuyên biệt phục vụ dầu khí. Việc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị tỉnh Quảng Ngãi tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC (PTSC Quảng Ngãi) đầu tư mở rộng nhà máy, cảng biển phục vụ các dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án Cá voi xanh… là đúng quy hoạch, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của địa phương cũng như doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.

NAM HÙNG

Nguồn: QĐND