(Nguồn: Vanhien.vn)
Với lợi thế đặc biệt Vịnh nước sâu Dung Quất, đến cuối năm 2018 này, tại khu vực Vịnh này đã hoàn thành 1,6 km đê chắn sóng, 01 km đê chắn cát; hoàn thành, đưa vào khai thác 3 bến cảng tổng hợp và một số bến cảng chuyên dùng, có thể tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT; đang xây dựng các bến cảng còn lại theo quy hoạch; hàng hóa qua cảng năm 2018 ước đạt khoảng 20 triệu tấn…
Nhập thiết bị siêu trọng qua bến cảng số 1 Dung Quất
Thực trạng và định hướng phát triển cảng biển Dung Quất
Ngày 18/9/2018, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh (BQL), các cơ quan liên quan về công tác quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành cảng biển tại KKT Dung Quất; Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và huyện Bình Sơn.
Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Minh Tài, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng BQL báo cáo công tác quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành các cảng biển tại KKT Dung Quất; ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi thay mặt Thường trực Tỉnh ủy kết luận: Trong thời gian qua, việc quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành các cảng tại KKT Dung Quất đạt được một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng cải thiện môi trường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT- XH của tỉnh. Đến nay, đã hoàn thành 1,6 km đê chắn sóng, 01 km đê chắn cát; hoàn thành và đưa vào khai thác 3 bến cảng tổng hợp và một số bến cảng chuyên dùng, có thể tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT; đang xây dựng các bến cảng còn lại theo quy hoạch; hàng hóa qua cảng năm 2018 ước đạt khoảng 20 triệu tấn; việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng được các cơ quan chức năng thực hiện theo cơ chế một cửa, khai báo điện tử đã có chuyển biến tích cực, rút ngắn thời gian, giảm phiền hà…
Chuyển hàng xuất khẩu qua cảng Gemadep Dung Quất
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, yếu kém đó là: Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch còn bất cập, chưa đảm bảo mục tiêu đề ra; cấp phép đầu tư các cảng biển có mặt hạn chế, manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số dự án đã được cấp phép nhưng không đầu tư, chậm đầu tư; một số dự án đầu tư dở dang, không đồng bộ; một số cảng đã đưa vào sử dụng nhưng thiết bị công nghệ lạc hậu…; Việc quản lý, khai thác cảng có nhiều bất hợp lý, chủ yếu xuất dăm gỗ, nguyên liệu thô; Các dịch vụ trên bờ như nhà hàng, khách sạn, ăn uống, dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí… còn thiếu, chất lượng kém, chưa có sức cạnh tranh với các cảng khác.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém; nhằm phát huy lợi thế của Cảng Dung Quất trong phát triển KT-XH, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự UBND tỉnh chỉ đạo BQL, các cơ quan chức năng của tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước tại Cảng và huyện Bình Sơn thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực đảm bảo khai thác hiệu quả, phát huy lợi thế cao nhất của Cảng Dung Quất; vừa giải quyết được yêu cầu trước mắt, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh so với các cảng lớn của cả nước.
Xuất khẩu cẩu trục bánh lốp qua cảng chuyên dụng Doosan Vina Dung Quất
Riêng việc đầu tư cụm cảng tổng hợp, cảng container, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Hiện nay hàng hóa thông qua cảng Dung Quất lớn và dự báo trong thời gian đến sẽ tăng cao; do đó việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng tổng hợp, cảng container là rất cần thiết; yêu cầu đựt ra từ nay đến cuối năm 2019 phải đầu tư được một cụm cảng tổng hợp, cảng container hiện đại, đồng bộ trong phạm vi diện tích khoảng 121,5 ha (Khu vực bến cảng 44,3 ha, và khu hậu cần cảng khoảng 77,2 ha), ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý, vận hành cảng tổng hợp và cảng container; đáp ứng yêu cầu cùng lúc tiếp nhận hai tàu có tải trọng từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn, có chiều dài mỗi tàu 350 mét cập bến, làm hàng, giảm thời gian tàu cập bến, bốc dỡ hàng, tăng năng lực cạnh tranh.
PTSC Quảng Ngãi xin đầu tư mở rộng Khu dịch vụ cơ khí và căn cứ cảng dầu khí Dung Quất
Từ ngày 5/4 đến ngày 5/11/2018, Công ty cổ phần dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi PTSC (gọi tắt là PTSC Quảng Ngãi), Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên tục gửi 12 văn bản đến Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi xin đầu tư mở rộng Khu dịch vụ cơ khí và căn cứ cảng dầu khí Dung Quất có thể nói là một hiện tượng “lạ” khi xin được đầu tư tại KKT Dung Quất này.
Xuất khẩu dăm gỗ qua bến Cảng số 1 Dung Quất
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc PTSC Quảng Ngãi nêu quan điểm: PTSC Quảng Ngãi luôn luôn cho rằng việc xin đầu tư mở rộng Khu dịch vụ cơ khí và căn cứ cảng dầu khí Dung Quất 11,4 ha là rất cần thiết, phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của PTSC Quảng Ngãi, Tổng công ty PTSC, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và của tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời phù hợp với quy hoạch hiện hành, đúng pháp luật và tại thời điểm xin đầu tư, khu đất này chưa có tranh chấp với nhà đầu tư khác.
Ông Trần Ngọc Căng-Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho 11 Doanh nhân tiêu biểu
– Ông Phạm Văn Hùng GĐ PTSC Quảng Ngãi thứ 4 từ trái sang
Ông Phạm Văn Hùng cho biết: PTSC Quảng Ngãi được thành lập từu năm 1997, là đơn vị thành viên của Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam. Nhiệm vụ chính ban đầu là phục vụ và tham gia xây dựng dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã đầu tư Bến cảng số 1 Dung Quất trên 220 tỷ đồng, đã và đang tiếp nhận tàu 70.000 DWT; Đầu tư khu dịch vụ dầu khí tổng hợp Dung Quất tổng giá trị trên 163 tỷ đồng có tổng diện tích 80.000 m2; Đầu tư 3 tàu dịch vụ dầu khí chuyên ngành giá trị trên 500 tỷ đồng đáp ứng dịch vụ lai dắt, dịch vụ trực ứng cứu sự cố tràn dầu, trực an ninh, phục vụ bảo dưỡng sửa chữa các công trình biển của NMLD Duang Quất; Đang đầu tư bến số 2 Cảng Dung Quất gần 400 tỷ đồng, phấn đầu quý 3/2019 sẽ đưa 1 cầu tàu 10.000 DWT và 1 cầu tàu 5.000 DWT vào hoạt động, đến năm 2021 sẽ đưa thêm 1 cầu tàu 70.000DWT và 1 cầu tàu 5.000 DWT vào hoạt động. Khi cầu cảng bến số 2 đi vào hoạt động cuối năm 2019, PTSC Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh khai thác hàng container từ dịch vụ trung chuyển nội địa đến trung chuyển trong khu vực châu Á và tiến đến mở các định tuyến container các châu lục. Hiên nay Công ty đã hình thành được 4 lĩnh vực chính gồm: Dịch vụ cảng và Logistics; dịch vụ tàu lai dắt và chuyên ngành dầu khí; dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa và cung cấp thiết bị; dịch vụ cơ khí và xây lắp công trình công nghiệp. Hiện nay lao động Công ty có 935 người trong đó lao động người Quảng Ngãi chiếm 70%; bình quân hàng năm nộp ngân sách nhà nước 30 tỷ đồng, thường xuyên thực hiện an sinh xã hội với tổng giá trị trên 21 tỷ đồng. Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 năm 2018, PTSC Quảng Ngãi là 10 doanh nghiệp trong tổng số gần 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xét công nhận và trao Bằng khen thành tích doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện; giám đốc doanh nghiệp PTSC là 1/11 doanh nhân tiêu biểu của tỉnh.
Ông Phạm Trường Thọ- PCT UBND tỉnh trao BK cho 10 Doanh nghiệp tiêu biểu
– Ông Phạm Văn Hùng- GĐ PTSC Quảng Ngãi người thứ 1 bên trái sang
Theo công văn số 730/DVKT-KHĐT ngày 13/7/2018 của Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam về việc đề nghị thỏa thuận bổ sung địa điểm bến cảng 11,4 ha cho PTSC Quảng Ngãi thực hiện dự án “Khu dịch vụ cảng và cơ khí Dung Quất” gửi Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi nêu rõ: Để tiếp tục phát triển và phục vụ các dự án lớn sắp tới tại KKT Dung Quất và các tỉnh lân cận như Dự án mở rộng NMLD Dung Quất, Dự án Cá voi xanh, Dự án Nhà máy điện Quảng Nam- Quảng Ngãi, Dự án kho ngầm Dung Quất… đồng thời là phát huy lợi thế là đối tác tin cậy của Tập đoàn GE, KNOC, Samsung, SK, Tông Công ty PTSC/PTSC Quảng Ngãi sẽ tăng cường mở rộng thị phần ra các thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Đông… đây là thị trường rất tiềm năng với nhứng dự án có gía trị rất lớn…. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, ngoài việc đầu tư bổ sung kết cấy hạ tầng, nhà xưởng, khi, bãi chế tạo các module, bãi chứa hàng hạng nhẹ, hạng trung người trời, Tổng Công ty PTSC/PTSC Quảng Ngãi cần triển khai đầu tư hệ thống bến cảng nối liền với khu gia công cơ khí tại Dung Quất. Trên cơ sở đó, Tổng Công ty PTSC kính đề nghị Quý Ban xem xét thỏa thuận bổ sung địa điểm đầu tư Bến cảng 11,4 ha thuộc Dự án Khu dịch vụ cảng và cơ khí dầu khí Dung Quất mà PTSC đã trình.
Theo công văn số 4667/DKVN-HĐTV ngày 03/8/2018 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc đề nghị xem xét chấp thuận bổ sung địa điểm đầu tư khu bến cảng 11,4 ha cho PTSC Quảng Ngãi thực hiện dự án “Khu dịch vụ cảng và cơ khí Dung Quất” gửi Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng đã nêu rõ chủ trương, định hướng phát triển của Tập đoàn nói chung và của PTSC nói riêng. Mong muốn được tỉnh chấp thuận về khu bến cảng 11,4 ha để phát triển khu cảng và hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan là hết sức quan trọng và cần thiết. Đây là dự án có gắn bó chặt chẽ với nhau, dự án căn cứ cảng dầu khí chính là tiền đề để tạo phát triển thành công của dự án Khu dịch vụ cơ khí và ngược lại.
Xuất khẩu gỗ dăm qua cảng Hào Hưng tại Dung Quất
Những vấn đề tỉnh cần quan tâm, xem xét
Ngày 05/11, PTSC Quảng Ngãi cũng đã gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi báo cáo quá trình đề xuất dự án đầu tư mở rộng Khu dịch vụ cơ khí và căn cứ cảng dầu khí Dung Quất. Tại báo cáo này, PTSC Quảng Ngãi cũng mạnh dạn nêu quan điểm của Công ty, đồng thời phân tích về việc tỉnh Quảng Ngãi có cần xây dựng một khu cảng container, cảng tổng hợp hiện đại tại bến chuyên dụng số 6,7,8 như Báo cáo số 1814/BQL-QLĐT ngày 15/10/2018 của Ban quản lý không. Theo ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc PTSC Quảng Ngãi, xét về cung cầu về nhu cầu hàng container, hàng tổng hợp qua cảng, khả năng bốc xếp của các cảng hiện hữu, các cảng còn lại theo qui hoạch, xu thế phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận là chưa đủ cơ sở khoa học, chưa hợp lý, chưa hiệu quả, có thể dẫn đến hao phí nguồn lực của xã hội. Về vấn đề này PTSC Quảng Ngãi đã phân tích và nêu ra tại các văn bản giải trình với Thường trực Tỉnh ủy và BQL đầy đủ. Còn ông Vũ Trọng Bình, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng phân tích ngày 29/9/2017: “Tình trạng đâu đâu cũng đề nghị làm cảng tổng hợp, cảng container đang khiến các tỉnh miền Trung bị dẫm chân nhau trong thu hút đầu tư”. “Chẳng hạn, Dung Quất xác định trở thành trung tâm lọc hoá dầu quốc gia thì hệ thống cảng biển đi kèm phải là hệ thống cảng biển chuyên biệt, dùng phục vụ cho ngành này. Dung Quất lại cũng đề xuất làm cảng container thì Dung Quất không còn là Dung Quất, không tạo được điểm nhấn trong chiến lược phát triển của mình”.
Tại Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy số 767-KL/TU ngày 26/9/2018 tại Mục 2.8 có nêu “từ nay đến năm 2019 phải đầu tư được cụm cảng tổng hợp, cảng container hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu cùng lúc tiếp nhận được 02 tàu có tải trọng từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn có chiều dài mỗi tàu 350m cập bến, làm hàng”. Vấn đề này, PTSC Quảng Ngãi cũng đã có ý kiến tại văn bản số 1555/DKQN-KH ngày 16/10/2018, qua đó PTSC Quảng Ngãi cũng nêu lên vấn đề an toàn cho các công trình hàng hải hiện hữu khi thiết kế cảng để đón được tàu 150.000 – 200.000 DWT, đồng thời PTSC Quảng Ngãi cũng góp ý kiến quy hoạch lại khu Bến 6,7,8 từ 750m cầu (quy hoạch hiện hữu) tăng lên 1.490m cầu (đề xuất qui hoạch mới của PTSC Quảng Ngãi) và có khả năng tiếp nhận cùng lúc được 3 tàu từ 150.000 – 200.000 DWT và giải quyết được nhu cầu 200m cầu cảng cho PTSC Quảng Ngãi. Tuy nhiên, vấn đề này PTSC Quảng Ngãi vẫn chưa được Ban quản lý quan tâm xem xét và đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi. Qua sự việc này chúng tôi rất bức xúc và không hài lòng với cách thức xử lý của Ban quản lý, chúng tôi thật sự không biết, không hiểu mục tiêu qui hoạch lại khu Bến cảng chuyên dụng số 6,7,8 là vì cái gì?. Ông Phạm Văn Hùng đặt câu hỏi.
Từ những vấn đề nêu trên, ông Phạm Văn Hùng, GĐ PTSC Quảng Ngãi mong muốn được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi quan tâm xem xét một số kiến nghị như: Đối với dự án Khu dịch vụ cơ khí dầu khí Dung Quất (phần 13,4ha đã đồng ý chủ trương cho PTSC Quảng Ngãi): Sau khi được Ban quản lý chấp thuận địa điểm đầu tư tại văn bản số 696/BQL-QLĐT ngày 11/5/2918, PTSC Quảng Ngãi đã bỏ chi phí ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn khảo sát địa hình, địa chất, thu thập thông tin, lập Báo cáo đầu tư dự án và đã trình Ban quản lý đầy đủ, đúng quy định, phù hợp với quy hoạch hiện hành là đất công nghiệp. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có ý kiến chỉ đạo để Ban quản lý phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án này cho chúng tôi. Chúng tôi cam kết thực hiện các bước đầu tư theo đúng qui định của pháp luật.
Đối với khu Bến cảng 11,4ha: Ban quản lý nêu lý do không thỏa thuận địa điểm cho chúng tôi vì “Bến số 2 xây dựng dỡ dang chưa hoàn thành” là thiếu cơ sở, không khách quan. Trên thực tế chúng tôi đầu tư xây dựng sớm hơn nhiều so với thời gian cam kết trong Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Trên cơ sở đó và theo những nội dung báo cáo, đề xuất kiến nghị đã gửi trước đây, một lần nữa PTSC Quảng kính đề nghị Quý lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, khách quan và chỉ đạo Ban quản lý thỏa thuận bổ sung khu Bến 200m cầu cho chúng tôi. Trong trường hợp không cấp, chúng tôi kính mong Quí lãnh đạo tỉnh cho chúng tôi tiếp tục giải trình, chứng minh và tham gia góp ý kiến, phản biện trong công tác qui hoạch lại cụm cảng chuyên dụng số 6,7,8.
Từ những vấn đề nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi cần quan tâm, nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan nhất để giúp PTSC Quảng Ngãi có cơ hội được tiếp tục phát triển, có cơ hội được đóng góp cho địa phương, đồng thời giúp cho tỉnh Quảng Ngãi phát triển bền vững.