Xuân Huy – PTSC Quảng Ngãi
LÝ SƠN – HÀNH TRÌNH VỀ VỚI BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG
“…tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, ngang dọc chí nam nhi, phong ba dồi dập, quyết bảo vệ biên cương bờ cõi, Hoàng Sa lãnh hải, biển cả mênh mông, tháng năm vô định…”
Câu trích dẫn trong bài văn tế Hải Đội Hoàng Sa kể từ lần đầu tiên đọc được vào tháng 4 năm 2011 trong triển lãm ảnh “Hoàng Sa – nhìn từ Lý Sơn” của nhà báo Nguyễn Văn Minh cho đến giờ cứ mãi ám ảnh tôi, không ngừng thôi thúc tôi tìm đến với Lý Sơn…
7h15 sáng ngày 4 tháng 8 năm 2012, chúng tôi có mặt trên tàu ổn định chỗ ngồi để thực hiện hành trình “PTSC QUẢNG NGÃI VỚI BIỂN ĐẢO”. Thời tiết hôm ấy khá lý tưởng, sóng nhẹ, nắng vàng. Tàu chạy được chừng 10 phút, tôi đã chẳng thể ngồi yên, len lỏi qua đám đông hành khách đứng chật cứng trong khoang để leo lên boong tàu ngắm cảnh.
Và biển thì xanh ngăn ngắt, xanh như màu mực Cửu Long, trong suốt và yên bình. Chúng tôi mê mải ngắm màu của trời mâyvà màu của bình minh bàng bạc.Đeo chiếc headphone trên tai, đứng ven mạn thuyền thả mình chìm vào những bản nhạc quen thuộc, tôi đang đi giữa tuổi trẻ, giữa đại dương, giữa nắng và gió để tìm về với biển đảo quê hương.
8h30 tàu cập bến xã An Vĩnh của Đảo, mọi người dù mệt mỏi nhưng cũng cố gắng nhanh chóng tập kết đồ đạc về nơi ở để kịp xuất phát thực hiện công tác.
Đúng 10h,đoàn có mặt ở Ủy Ban xã An Vĩnh. Trong khi mọi người sắp xếp các phần quà và ổn định chỗ ngồi cho bà con thì tôi có thời gian đi loanh quanh tìm vị trí bấm máy. Rồi thì lễ trao quà tặng cũng bắt đầu ở xã này theo danh sách chúng tôi nhận được có 25 trẻ em nghèo vượt khó, 25 gia đình chính sách và 1 mẹ Việt Nam anh hùng, sau đó là đến buổi giao lưu trò chuyện với ngư dân. Vẻ chất phác, hiền lành khắc khổ in dấu trên từng khuôn mặt người dân đảo Lý Sơn. Nhưng trong ánh mắt lại ánh lên sự kiên cường bất khuấtdù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lớp lớp thế hệ cháu con của đội hùng binh Hoàng Sa đều khắc ghi lịch sử, nối tiếp truyền thống cha ông giữ gìn vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Hoàng Sa, Trường Sa gắn với người dân đảo như thể máu thịt chẳng tách rời. Những câu chuyện cứ nối tiếp nhau chúng tôi cứ bị cuốn vào nỗi khổ cực, lòng quyết tâm, tình yêu biển, tình yêu tổ quốc của ngư dân, chỉ đến khi chủ tịch xã nhắc quá trưa rồi đoàn tôi mới tạm biệt bà con ra về tranh thủ chuẩn bị cho công tác buổi chiều để đảm bảo như lịch trình đã định.
Điểm đến đầu tiên của buổi chiều là Ủy Ban xã An Hải, cũng giống như chương trình buổi sáng, ở đây có 20 trẻ em nghèo vượt khó và 20 gia đình chính sách, sau lời giới thiệu và phần trao quà, chúng tôi được nghe những lời tâm sự của chủ tịch xã và người dân đảo. Trong đó có một bác ngư dân có cả con trai lẫn con dâu đều gặp nạn và mất tích trên biển. Những lời tri ân của bác với đoàn khá dài, nhưng tôi vẫn nhớ như in lời bác quả quyết: “Bao đời nay, cha ông chúng tôi sống trên biển, chết trên biển để bảo vệ lãnh hải, Hoàng Sa – Trường Sa là một phần máu thịt của quê hương, không có khó khăn nào, kẻ thù nào ngăn được ngư dân chúng tôi ra khơi…”. Biển cả khắc nghiệt, muôn trùng thiên tai, nhân tai, nhưng ngay cả nỗi đau của gia đình cũng không làm bác nhụt trí “Dù hiểm nguy, dù gian nan đến mấy cũng sẽ giữ nghề bám biển để tiếp bước cha ông, giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…”.
Những chuyến ra khơi của ngư dân bao đời nay theo truyền thống cha ông truyền lại, bám biển không chỉ vì mưu sinh mà với họ còn là niềm hạnh phúc là lẽ sống vì được góp phần phục vụ làm giàu cho quê hương đất nước. Thế nhưng truyền thốngquý báu đó của ngư dân đang đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức. Mỗi chuyến ra khơi của họ giờ đây đầy rẫy hiểm nguy rình rập. Để mưu sinh ngư dân không chỉ phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt, mà có khi còn phải bằng mạng sống.
Phải làm gì để chia sẻ khó khăn với ngư dân, giúp họ yên tâm giữ nghề, bám biển? Rời khỏi trụ sở Ủy Ban xã An Hải nhưng câu hỏi đó cứ mãi văng vẳng, xoáy vào tâm can mỗi chúng tôi.
Sau khi hoàn thành công tác tình nguyện, chương trình tiếp theo của đoàn thanh niên là đi thăm quan các di tích trên đảo để giúp đoàn viên hiểu rõ hơn về Lý Sơn cũng như lịch sử của biển đảo Việt Nam.
Điểm tham quan đầu tiên là Bảo tàng Hải Đội Hoàng Sa Bắc Hải. Nhà trưng bày gắn với cụm tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, được làm bằng chất liệu đá. Những đường nét chạm khắc mô tả hình ảnh các binh phu lên đường bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Nhà trưng bày rộng gần 380m2, lợp mái ngói âm dương, nền lát gạch Bát Tràng. Bên trong trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh và hiện vật liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Theo cô hướng dẫn viên bảo tàng , các hiện vật lưu giữ tại đây vô cùng quý giá; là bằng chứng hùng hồn, góp phần cùng với các dấu tích khác khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
Rời bảo tàng chúng tôi lên xe chạy về hướng núi Thới Lới. Ở Lý Sơn đâu đâu cũng là cát, những con đường cát, những cánh đồng cát, những ngôi mộ cát… dưới cái nắng gắt gay của mặt trời ngoài biển, hạt cát Lý Sơn khô cong, nhám rạt. Hàng ngàn con người sống trên cát, chết nằm trong cát. Chạy qua các thửa ruộng tỏi, vườn mè đen, đậu xanh hai bên lề đường chúng tôi đặt chân đến CHÙA HANG ( tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự ).
Chùa vốn là một hang đá lớn nằm trong lòng núi Thới Lới, hình thành từ nham thạch của núi lửa, hướng ra biển Đông. Ông Trần Công Bạch cùng các bậc tiền hiền làng An Hải lập chùa cách đây hơn 400 năm dưới triều vua Lê Kính Tông. Hang dài khoảng 24m, trần hang cao hơn 3m, diện tích chừng 500m², hướng ra biển. Phía xa xa là các mỏm đá nhô ra, bãi cát trắng sạch lấp lánh vỏ sò, vỏ ốc. Chùa có bàn thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa, bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái, bàn thờ 12 Diêm Vương, ba vị thủy tổ kế tiếp phụng sự chùa (là Trần Công Thành, Trần Công Hiền, Trần Công Quân) và 7 vị tiền hiền làng An Hải bên phải. Các bệ thờ được gia công từ nhũ đá tự nhiên. Đặc biệt có hai lối hẹp dài hun hút với hai hướng đối ngược, được dân bản địa quan niệm là “đường lên trời và đường xuống địa ngục”. Do đường đi tối, khá nguy hiểm nên lối đi này được chặn lại để tránh bước chân của các vị khách tò mò. Vào trong chùa, những hạt nước từ thạch nhũ rơi tí tách quyện với mùi khói hương tạo nên không khí trầm mặc. Đó là những gì chùa hang đá trời sinh gây ấn tượng khi khách vào trong. Các sự kiện lớn được tổ chức tại chùa hằng năm là ngày Tết Nguyên đán, lễ Vu Lan, Phật đản, ngày giỗ các vị tiền hiền. Vào những dịp đó, nhân dân địa phương tới hành lễ, niệm Phật, chiêm bái rất đông.
Để đi đến điểm tiếp theo, chùa Đục chúng tôi lại phải chạy ngược lại về phía núi Giếng Tiền . Ngự giữa lưng chừng sườn núi, để lên được chùa cần đi qua hơn 100 bậc thang đá, một bên là vách núi còn phía bên kia nhìn ra biển. Trên vách núi dựng đứng, dấu vết của sự trồi sụt địa chất mặc dù đã bị thiên nhiên bào mòn đi rất nhiều nhưng trên đường đi lên vẫn có thể nhận ra khoảng 10-15m trầm tích có thành phần cuội sỏi đa khoáng, cát bột gắn kết bằng sét caolin. Trên bề mặt bị laterit hóa và kết cứng dấu tích của tuổi Pleistocen . Từ đó có thể thấy rằng đảo Lý Sơn hình thành từ khoảng kỷ Neogen tức là khoảng 23-25 triệu năm trước. Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai. Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh.
Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao thật dễ hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh.
Cuối giờ chiều vẫn còn quá nhiều chỗ muốn đi nhưng thời gian không cho phép, hơn nữa chiếc xe tự nhiên giở chứng không chịu nổ máy, nên chúng tôi đành ngậm ngùi ra về. Kết thúc một ngày tình nguyện và thăm quan đầy ý nghĩa, sáng mai đã phải về, phải chia tay đảo để quay lại với bộn bề cuộc sống, công việc nhưng những cảm xúc có được trong chuyến đi này sẽ chẳng thể phải nhòa. Đoàn chúng tôi có 11 người, mục tiêu chuyến đi này chúng tôi góp phần công sức dù nhỏ bé để chia sẻ khó khăn với ngư dân trên đảo, để họ, những người ở nơi tiền tiêu lãnh hãi của tổ quốc yên tâm làm việc, chiến đấu bám biển, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ.
Sáng sớm hôm sau con tàu lại bềnh bồng lướt sóng đưa đoàn về đất liền. Nhiệm vụ tiếp theo thật sự khó khăn, đoàn chúng tôi chỉ có 11 người, làm thế nào để truyền đi thông điệp yêu nước của quân dân Lý Sơn cho toàn bộ đoàn viên thanh niên công ty và xa hơn là đoàn viên thanh niên trong cả nước, tôi cũng chưa biết mình sẽ phải làm thế nào nhưng chúng tôi mỗi người đều tự hứa sẽ cố gắng hết sức bởi vì “tôi đang nghe tổ quốc gọi tên mình”.
[/column][:]